Phân biệt các chủng loại Aptomat dân dụng
Đáp ứng những đòi hòi về an toàn điện ngày càng cao của con người, các nhà sản xuất thiết bị điện đã cho ra đời rất nhiều thiết bị bảo vệ mạng điện dân dụng nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa cho người sử dụng và thiết bị trong gia đình từ chống quá tải, chống dòng dò hoặc kết hợp cả chống quá tải và dòng dò. Tuy nhiên, với việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn quốc tế (IEC) thì mã hiệu của các chủng loại sản phẩm cũng khiến người sử dụng Việt Nam gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn một thiết bị phù hợp cho gia đình. Bài viết sau đây sẽ cơ bản giúp người dùng hiểu được chức năng của các loại Aptomat và ký hiệu của chúng.
Hiện nay trên thị trường Việt Nam đã và đang tràn ngập các chủng loại thiết bị bảo vệ mạng điện dân dụng với mã hiệu như: MCB, RCCB (RCBO) bên cạnh một số thiết bị bảo vệ mạng điện công nghiệp như: ACB, MCCB, RCD và ELCB.
Với sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá thành và các đặc tính kỹ thuật như vậy thì ngay cả đa số các chủ cửa hàng đồ điện trên địa bàn Hà Nội cũng không hiểu rõ chúng khác nhau như thế nào ngoài việc căn cứ vào dòng điện định mức để bán hàng. Dưới đây, bài báo sẽ chỉ ra một số đặc điểm cơ bản và lời khuyên cho từng chủng loại, góp phần giúp cho người sử dụng dễ dàng hơn trong việc lựa chọn thiết bị phù hợp cho nhu cầu.
1. MCB (Miniature Circuit Breaker)
Đây là một loại áp-tô-mát (hay còn gọi là cầu dao tự động) được chế tạo với tính năng duy nhất là bảo vệ quá dòng điện (quá tải và ngắn mạch) với dòng điện làm việc định mức thường không quá 100A ở điện áp dưới 1000V. Do đó, loại này được sử dụng rộng rãi trong mạng điện dân dụng, từ văn phòng cho tới nhà ở.
Trên thị trường Việt Nam hiện nay phải kể đến các hãng sản xuất lớn như: Simon, ABB, Schneider, Siemens, Hager, Panasonic, LS, Mitsubishi, Hyundai, Clipsal, Sino - Vanlock, ... trong đó Clipsal hiện đã bị Schneider thực hiện thương vụ thâu tóm từ đầu năm 2008.
Qua khảo sát về mức tiêu thụ điện của người dân Việt Nam, có thể chia ra thành ba nhóm cơ bản như sau:
+ Khu vực thành thị: mỗi hộ gia đình nên sử dụng loại áp-tô-mát tổng có dòng điện định mức không quá 63A.
+ Khu vực ngoại thành (ven đô thị): mỗi hộ gia đình nên sử dụng loại áp-tô-mát tổng có dòng điện định mức không quá 50A.
+ Khu vực nông thôn: mỗi hộ gia đình nên sử dụng loại áp-tô-mát tổng có dòng điện định mức không quá 40A.
Ngoài ra, các hãng sản xuất còn đưa ra cho người sử dụng nhiều sự lựa chọn khác nhau với việc phân ra số cực như: 1p, 1p+N, 2p, 2p+N, 3p, 3p+N hay 4p (với p-pole: cực). Thực tế ở Việt Nam, đại đa số các thiết bị điện dân dụng đều được sản xuất để làm việc với điện áp 220V, nên người sử dụng thông thường chỉ cần chọn loại 1p hoặc 1p+N là đủ.
Việc lựa chọn loại Aptomat cho căn nhà mình còn phụ thuộc vào các thiết bị được sử dụng trong nhà và cũng cần tính toán cho tương lai có thể thêm các thiết bị khác nhau nữa.
Tuy nhiên, sự phân nhóm trên chỉ mang tính tương đối. Vì vậy, để lựa chọn được chính xác và phù hợp hơn cho nhu cầu cũng như phù hợp với tiết diện dây dẫn điện sử dụng trong nhà, người sử dụng hãy tham vấn ý kiến của những người có chuyên môn.
2. RCCB (Residual Current Circuit Breaker)
Đây là một loại áp-tô-mát được chế tạo với tính năng cơ bản là chống dòng điện rò, mà theo cách gọi thông thường là áp-tô-mát chống giật. Loại áp-tô-mát này không có tính năng bảo vệ quá dòng điện như MCB đã nêu trên. Vì vậy người sử dụng cần chú ý phân biệt mã hiệu để tránh nhầm lẫn.
Thông thường, RCCB sẽ được sử dụng để bảo vệ chống giật cho từng tầng nhà (đối với nhà nhiều tầng) hoặc cho toàn bộ nhà (đối với nhà chỉ có 1 tầng). Nhưng để đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả thì yêu cầu đầu tiên là hệ thống dây dẫn điện âm tường phải được đi trong ống gen cách điện.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại RCCB do các hãng khác nhau cung cấp nhưng nhìn chung chỉ có ba cấp bảo vệ là 30mA, 100mA và 300mA.
Để bảo vệ chống giật cho từng tầng nhà ở, nên sử dụng loại có mức bảo vệ 30mA, còn nếu chỉ sử dụng để bảo vệ chống giật duy nhất cho toàn bộ nhà ở, nên sử dụng loại có mức bảo vệ từ 100mA - 300mA tùy thuộc vào diện tích và số lượng thiết bị tiêu thụ điện.
Trong quá trình sử dụng, người sử dụng nên kiểm tra RCCB hàng tháng, cách để kiểm tra là nhấn vào nút có chữ “Test” hoặc “T” trên thân RCCB, động tác này là việc mô phỏng có xuất hiện dòng điện rò. Nếu RCCB tác động tốt, tức là mạch điện đã bị ngắt. Nếu ngược lại RCCB không tác động thì chúng ta nên thay cái mới. Việc kiểm tra phải được lặp đi lặp lại nhiều lần để đảm bảo RCCB hoạt động một cách tốt nhất.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường còn một loại áp-tô-mát chống dòng rò khác, đó là: RCBO (Residual Circuit Breaker with Overload protection).
Đây là một loại áp-tô-mát được chế tạo vừa có tính năng chống dòng điện rò lại vừa có tính năng bảo vệ quá tải. Do đó, loại này thường có giá thành cao hơn so với loại RCCB có cùng cấp bảo vệ.
Tuy nhiên, nếu như trong gia đình hoặc văn phòng đã có sự phân chia bảo vệ cho từng MCB riêng rẽ thì việc sử dụng RCBO là không thực sự cần thiết.
Hy vọng với những thông tin trên sẽ phần nào giúp ích cho người sử dụng Việt Nam trong việc lựa chọn một thiết bị bảo vệ mạng điện dân dụng thật sự phù hợp.
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận